Tổng quan thị trường cơ khí Việt Nam năm 2022
Nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 cùng việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, ngành cơ khí đã đạt mức tăng trưởng khả quan trong năm 2022.
Ảnh: Tổng quan thị trường cơ khí Việt Nam năm 2022
Về sản xuất
Năm 2022, nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 cùng việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đã thúc đẩy sản xuất của ngành cơ khí Việt Nam tăng trưởng 16,5% so với năm 2021.
Với khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển.
Cụ thể, đến nay, linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85- 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15- 40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40- 60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Mặt khác, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số DN điển hình trong lĩnh vực ô tô như Vinfast, Thành Công, Thaco…
Tuy nhiên, số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn chưa nhiều; những hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất, đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành cơ khí.
Về xuất khẩu:
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng hiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau điện thoại và máy vi tính). Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2010-2021, xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam liên tục tăng trưởng với tốc độ tăng trung bình đạt 28,3%/năm (mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2020 đạt 48,58%).
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam ước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 19,45% so với năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong 10 năm trở lại đây, cao gấp gần 15 lần so với năm 2010.
Trong đó, thị phần xuất khẩu mặt hàng này vẫn chủ yếu thuộc về khối DN FDI. Cụ thể, trị giá xuất khẩu máy móc thiết bị của khối DN FDI ước đạt 42,58 tỷ USD, tăng 19,74% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm tỷ trọng gần 93% (cao hơn so với mức tỷ trọng 92,75% của năm 2021).
Biểu đồ 01: Kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị của Việt Nam giai đoạn 2010-2022 (ĐVT: tỷ USD)
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan
Bảng 01: Kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu máy móc thiết bị của Việt Nam giai đoạn 2010-2022
Năm | Kim ngạch XK máy móc thiết bị (tỷ USD) | | Tăng trưởng (%) | | Tỷ trọng XK của DN FDI/cả nước (%) |
| Cả nước | DN FDI | Cả nước | DN FDI | |
2010 | 3,07 | 2,76 | 48,90 | 89,90 | |
2011 | 4,37 | 3,72 | 42,37 | 34,77 | 85,13 |
2012 | 5,54 | 26,80 | |||
2013 | 6,02 | 5,39 | 8,82 | 89,53 | |
2014 | 7,32 | 6,56 | 21,43 | 21,65 | 89,62 |
2015 | 8,16 | 7,31 | 11,54 | 11,38 | 89,58 |
2016 | 10,11 | 9,08 | 23,94 | 24,29 | 89,81 |
2017 | 12,91 | 11,55 | 27,70 | 27,23 | 89,47 |
2018 | 16,36 | 14,50 | 26,70 | 25,48 | 88,63 |
2019 | 18,30 | 15,17 | 11,90 | 4,66 | 82,90 |
2020 | 27,19 | 23,73 | 48,58 | 56,42 | 87,27 |
2021 | 38,34 | 35,56 | 41,01 | 49,83 | 92,75 |
Ước N2022* | 45,80 | 42,58 | 19,45 | 19,74 | 92,97 |
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan
Việt Nam xuất khẩu máy móc thiết bị chủ yếu là sang thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch năm 2022 ước đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2021, chiếm tỷ trọng tới hơn 44% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước. Tiếp đến là các thị trường: EU chiếm 12,37%; Trung Quốc chiếm 7,95%; ASEAN chiếm tỷ trọng 7,11%; Hàn Quốc chiếm 6,09%; Nhật Bản chiếm 6,03%…
Nhìn chung, trị giá xuất khẩu máy móc thiết bị sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng mạnh so với năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nga giảm 41,08% và Ukraina giảm mạnh 69,3% do ảnh hưởng của xung đột; ngoài ra xuất khẩu sang các thị trường New Zealand, Bangladesh, Thụy Sỹ, Pakistan, Na Uy cũng giảm.
Về nhập khẩu
Trong giai đoạn 2010-2021, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng vào Việt Nam tăng trưởng ở mức trung bình 11,74% (năm 2021 tăng mạnh nhất 24,28%). Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu máy móc thiết bị ước đạt 45,4 tỷ USD, giảm nhẹ 1,94%. Đây là năm thứ hai kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này giảm, bên cạnh năm 2018 (giảm 3%). Trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị của khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng gần 70% đạt 31,7 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2021.
Về cán cân thương mại, trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam liên tục nhập siêu máy móc thiết bị với trị giá hơn 10 tỷ USD (năm 2017 nhập siêu nhiều nhất 20,97 triệu USD). Năm 2021, nhập siêu máy móc thiết bị giảm xuống còn 7,96 tỷ USD. Theo ước tính, năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu máy móc thiết bị 402,4 triệu USD.
Biểu đồ 02: Kim ngạch máy móc, thiết bị nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2010-2022 (ĐVT: tỷ USD)
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan
Trung Quốc là thị trường cung cấp máy móc thiết bị lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch năm 2022 ước đạt 24,6 tỷ USD, giảm nhẹ 1,3% so với năm 2021; chiếm tỷ trọng hơn 54% tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng của cả nước. Mặc dù có sự suy giảm nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào máy móc thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tiếp đến là các thị trường: Hàn Quốc chiếm tỷ trọng 13,92%; Nhật Bản chiếm 9,38%; ASEAN chiếm 6,47%; EU-27 chiếm 6,05%; Đài Loan chiếm 3,09%; Hoa Kỳ chiếm 2,06%; Ấn Độ chiếm 1,19%…
Trong năm qua, nhập khẩu máy móc thiết bị từ nhiều thị trường giảm như: Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Anh, Thụy Sỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, New Zealand, Nga, Ukraine, Nam Phi. Ngược lại, nhập khẩu từ một số thị trường vẫn tăng khá gồm: Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan, Ấn Độ, Mexico, Na Uy, Israel, Brazil…
Nhận định chung
Nhìn chung, tình hình sản xuất và xuất khẩu nhóm ngành máy móc thiết bị của Việt Nam tăng trưởng khá trong năm 2022 do doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, nhập khẩu máy móc thiết bị trong năm giảm gần 2% so với năm 2021. Có thể thấy, nhờ việc chú trọng vào đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất ngành cơ khí trong nước thời gian qua, Việt Nam đang giảm dần sự phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu từ nước ngoài.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song phải nhìn nhận thực tế, năng lực và trình độ ngành cơ khí chưa theo kịp với thế giới. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao trong công nghiệp cơ khí còn thiếu hụt..
Để tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phát triển trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ưu tiên triển khai các nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, tập trung nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cao, công nghệ ưu tiên phát triển, công nghệ khuyến khích chuyển giao thuộc ngành cơ khí như công nghệ nhiệt luyện; công nghệ chế tạo khuôn mẫu chính xác cao, máy công cụ, máy nông nghiệp, phụ tùng, động cơ ô tô và phụ tùng cơ khí, giao thông đường sắt, thép chế tạo, cơ khí chính xác và tự động hóa; công nghệ chế biến và bảo quản. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cơ khí phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường kết nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học và DN trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ các DN, tổ chức khoa học đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư tiềm lực khoa học và công nghệ để nghiên cứu tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho các ngành kinh tế. Đặc biệt, rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm cơ khí, nâng cao tỷ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của hai Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển.
(Nguồn: vsi.gov.vn)